1. Mục tiêu cuối cùng là năng suất
Ngày nay, năng suất là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia nói chung và một doanh nghiệp nói riêng trong môi trường cạnh tranh, hòa nhập và toàn cầu hóa. Những định nghĩa và khái niệm về năng suất cũng như tầm quan trọng của năng suất đối với các doanh nghiệp cần được làm rõ để xác định những giải pháp nâng cao năng suất. Trước tiên, cần phân biệt năng suất lao động và năng suất.
Hiểu một cách đơn giản, năng suất là thước đo lượng đầu ra được tạo ra dựa trên các yếu tố đầu vào. Quan hệ giữa đầu vào và đầu ra được biểu thị bằng công thức: Năng suất = Đầu ra/ Đầu vào (1)
Đối với một doanh nghiệp:
- Đầu ra: có thể là sản lượng, tổng giá trị sản xuất - kinh doanh – dịch vụ, giá trị gia tăng, doanh thu, lợi nhuận, v.v…
- Đầu vào: có thể là thời gian, lao động, nguyên vật liệu, vốn, thiết bị máy móc, năng lượng, các loại chi phí và các loại lãng phí.
Như vậy, trong một doanh nghiệp, có thể có hàng chục, thậm chí hàng trăm chỉ tiêu năng suất từ định nghĩa (1) trên đây và sẽ là cơ hội khi với từng chỉ tiêu chúng ta có thể có nhiều giải pháp để tăng năng suất. Tương ứng với một số chỉ tiêu năng suất được nhận dạng là cần cải thiện sẽ có thể tìm ra một loạt các giải pháp tăng năng suất được phối hợp với nhau nhằm tăng thêm khả năng cộng lực (synergy) của chúng.
Xem thêm:
Mặt khác năng suất ngày nay phải đi kèm với hiệu suất (efficiency) và hiệu quả (effectiveness).
"Năng suất không còn được xem như một khái niệm chỉ liên quan đến hợp lý hóa hay hiệu suất. Nó đi xa hơn nữa, chuyển tải một mong muốn chấp nhận và tạo ra sự thay đổi. Năng suất là một thái độ tư duy dựa trên niềm tin vào sự tiến bộ liên tục. Hiệu suất nghĩa là làm mọi việc một cách đúng đắn. Hiệu quả là định hướng vào mục tiêu, làm đúng mọi việc một cách tốt hơn. Chẳng có ích lợi gì khi sản xuất con ngựa kéo xe một cách có hiệu suất nhưng lại không có thị trường" [1].
Vì vậy năng suất ngày nay còn cần được hiểu như sau:
Năng suất = Lợi ích tổng thể cho khách hàng/ các nguồn lực tổng hợp (2)
Định nghĩa (2) gắn kết với định nghĩa (1) để nhắn nhủ chúng ta rằng không thể tạo ra thật nhiều những sản phẩm, dịch vụ có hại cho xã hội, môi trường (mang lại nhiều lợi ích cho nhà cung cấp nhưng không được khách hàng, cộng đồng chấp nhận) và cũng không thể tạo ra sản phẩm với hiệu suất sử dụng các nguồn lực hiện có quá thấp, khó mà phát triển bền vững.
Xét cho cùng thì mọi hoạt động của doanh nghiệp đều dẫn đến mục tiêu là tăng năng suất hiểu theo định nghĩa (1) và (2) nêu trên.
2. Các phương án tăng năng suất
Có thể có 5 phương án tăng năng suất:
Bất kỳ giải pháp nào giúp doanh nghiệp thực hiện được một trong số các phương án nêu trên đều có thể là một giải pháp năng suất.
3. Doanh nghiệp năng suất
Do mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp là tăng năng suất nên một doanh nghiệp năng suất (Productive Enterprise – PE) là doanh nghiệp biết tiếp thu và áp dụng các kỹ thuật, phương pháp, công cụ (gọi chung là giải pháp) làm gia tăng năng suất. Hiện nay trên thế giới người ta đang sử dụng hàng trăm giải pháp như vậy.
4. Doanh nghiệp tinh gọn
Lean (tinh gọn) là một triết lý nhằm làm giảm các loại lãng phí và như vậy sẽ làm giảm đầu vào, theo hai định nghĩa nêu trên và các phương án tăng năng suất 3, 4, 5. Do đó Lean là một công cụ mạnh làm tăng năng suất.
Cùng phát triển với Lean là khái niệm Doanh nghiệp tinh gọn (Lean Enterprise - LP).
Có nhiều quan điểm về doanh nghiệp tinh gọn.
Quan điểm 1:
Công nghệ tinh gọn tiến hóa từ phân xưởng sản xuất lan rộng ra toàn doanh nghiệp. Tinh gọn theo suốt toàn bộ quá trình từ tiếp xúc với khách hàng ban đầu đến lúc đặt hàng, thực hiện đơn hàng, làm hóa đơn, thanh toán và thanh lý hợp đồng. Tất cả các nguyên công và bước công việc đều được theo dõi và giám sát để tránh lãng phí. Kết quả là chúng ta có một tổ chức hoạt động hiệu quả và hiệu suất cao, loại bỏ lãng phí và chi phí [2].
Quan điểm 2:
Doanh nghiệp tinh gọn được định nghĩa là “hiệu quả mà không lãng phí”. Nhiều tổ chức lãng phí 70%-90% những nguồn lực hiện có do quản lý kém vật tư, thời gian, thông tin, trang thiết bị để không và hàng tồn kho. Các nguyên tắc doanh nghiệp tinh gọn cung cấp các giải pháp nhằm nỗ lực cắt giảm đáng kể số phần trăm lãng phí nêu trên, cải thiện chất lượng, năng suất và lợi nhuận. Những cơ sở của doanh nghiệp tinh gọn là nhận dạng và loại bỏ lãng phí trong suốt chuỗi cung ứng, cuối cùng là tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả hơn [3].
Quan điểm 3:
Doanh nghiệp tinh gọn sản xuất nhiều hơn với các nguồn lực hiện hữu bằng cách loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng. Các nhà sản xuất đang đương đầu với cạnh tranh toàn cầu với nhiều biến động và rủi ro. Những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này phải biết làm việc cật lực để loại bỏ sản xuất thừa gây ra bởi hệ thống điều độ truyền thống và chỉ làm những gì khách hàng muốn khi họ cần chúng.
Tinh gọn thiết lập một phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống nhằm loại bỏ các lãng phí và tạo ra dòng hoạt động xuyên suốt trong toàn bộ doanh nghiệp. Nó cũng giúp doanh nghiệp phát triển và thực hiện một kế hoạch dài hạn đảm bảo hoạt động có hiệu quả và vươn tới thành công [4].
Quan điểm 4:
Doanh nghiệp tinh gọn là một chiến lược kinh doanh tích hợp tạo ra giá trị một cách có hiệu quả bằng cách áp dụng các nguyên tắc tinh gọn trong thiết kế, trong chuỗi cung ứng, sản xuất và kinh doanh. Đó là một phương pháp tiếp cận hệ thống để nhận dạng và loại bỏ lãng phí (các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng) thông qua thời gian, vật tư, hiệu suất và các quá trình. Doanh nghiệp tinh gọn có thể được áp dụng cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ và đang trở nên ngày càng quan trọng trong thị trường và cạnh tranh toàn cầu hóa. Một tư duy tinh gọn giúp các công ty tạo dựng vị thế của mình trước những thách thức và cơ hội trong tương lai [5].
Khi nói về doanh nghiệp năng suất người ta dễ không tập trung đúng mức cho việc loại bỏ các loại lãng phí và tiết kiệm chi phí. Còn khi đề cập đến doanh nghiệp tinh gọn, người ta thường chỉ nói nhiều đến 7 hoặc 8 loại lãng phí quan trọng nên làm cho nhiều người có thể không nhận ra còn rất nhiều loại lãng phí có thể phát hiện và loại bỏ, đồng thời có thể chưa tận dụng được cơ hội lựa chọn và áp dụng tổng hợp một số trong hàng trăm giải pháp tăng năng suất.
Vì vậy chúng tôi đề nghị một khái niệm mới: doanh nghiệp năng suất và tinh gọn.
5. Doanh nghiệp năng suất và tinh gọn
Doanh nghiệp năng suất và tinh gọn (Productive and Lean Enterprise – PLE) là doanh nghiệp biết áp dụng tích hợp các giải pháp làm gia tăng năng suất đồng thời thực hành các nguyên tắc tinh gọn (nhằm giảm đến mức tối thiểu tất cả các loại lãng phí, chi phí) và các khái niệm Lean + X đang không ngừng phát triển.
Lean + X đang phát triển nhanh chóng. Ngoài Lean Thinking, Lean Manufacturing (Production), Lean Enterprise còn có: Lean Culture, Lean Accounting/ Costing, Lean Supply Chain, Lean Product Design, Lean Maintenance, Lean TPM, Lean Banking, Lean ERP, Lean CMMS, Lean Product, Lean Management, Lean Problem Solving, Lean Kaizen, Lean Ecology, Lean Logistics, Lean Operation, Lean System, Lean Resource, Lean Office, v.v…
Mỗi Lean + X này, ngoài các nguyên tắc lean chung, đều có những nội dung và nguyên tắc đặc thù. Tùy trường hợp mà doanh nghiệp lựa chọn mà áp dụng sao cho phù hợp và có lợi.
Nếu chỉ áp dụng PE chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội nhận dạng, làm giảm hoặc loại bỏ rất nhiều các loại chi phí và lãng phí.
Nếu chỉ áp dụng LE chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội áp dụng những giải pháp nâng cao năng suất mà các tài liệu về lean, lean manufacturing (production) không nói đến.
Đặc điểm của LPE, PE và LE được trình bày ở bảng 1.
Bảng 1: Đặc điểm của PE, LE và LPE
Doanh nghiệp | Đặc điểm |
Năng suất (PE) | Tập trung áp dụng một số giải pháp tăng năng suất phổ biến |
Tinh gọn (LE) | Tập trung loại bỏ các loại lãng phí quan trọng |
Năng suất và tinh gọn (LPE) | - Tích hợp để áp dụng tất cả các giải pháp tăng năng suất phù hợp, - Áp dụng các nguyên tắc lean để loại bỏ hoặc làm giảm tất cả các loại chi phí và lãng phí, - Tích hợp để áp dụng tất cả các khái niệm Lean + X |
Để thực hiện một doanh nghiệp năng suất và tinh gọn, giải pháp năng suất toàn diện (Total Productive Solution – TPS II) được đề nghị. Giải pháp này được viết tắt là TPS II để tránh nhầm lẫn với Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) đã biết.
6. Giải pháp năng suất toàn diện
Giải pháp năng suất toàn diện bao gồm một bộ gồm 8 nhóm giải pháp năng suất như;
Nhóm giải pháp năng suất 1: Các kỹ thuật, công cụ, phương pháp năng suất & chất lượng chung
Nhóm giải pháp năng suất 1 với hơn 100 giải pháp [6], bao gồm: Kaizen, 5S, Bảy công cụ quản lý chất lượng truyền thống, Bảy công cụ quản lý chất lượng mới, Cân đối chuyền sản xuất, Chuẩn đối sánh, Đo lường năng suất, Đo lường hiệu năng nhân viên, Kỹ thuật/ Phân tích giá trị, Lý thuyết quản lý các hạn chế (TOC), Nghiên cứu công việc, Nhượng quyền, Qui tắc Pareto, Phân tích nguyên nhân gốc rễ (RCA), Quản lý chiến lược, Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý hậu cần, Quản lý quan hệ khách hàng, Quản lý sự thay đổi, Quản lý đổi mới và sáng tạo, Quản lý rủi ro, Quản lý thời gian, Quan lý nguồn nhân lực, Quản lý tri thức, Quản lý vật tư và tồn kho, Tái lập quá trình kinh doanh (BPR), Triển khai chức năng chất lượng (QFD), Văn hóa doanh nghiệp, Phân tích SWOT, Xây dựng lợi thế cạnh tranh, Ủy quyền cho nhân viên, Quản lý chuổi giá trị, Quản lý và phát triển sản phẩm mới, Nghiên cứu thị trường, Chia sẽ lợi nhuận, Nhóm chất lượng, Bảng tính điểm cân băng, Thiết kế thí nghiệm (DOE), Mô hình 7S Mc Kinsey, Quản lý theo mục tiêu, Mô hình chiến lược 5P, Lý thuyết trò chơi, Chiến lược 10 ngôi trường – Henry Mintzberg, Lập kế hoạch và điều độ, Chiến lược đại dương xanh, Lập kế hoạch kinh doanh, v.v…
- Nhóm giải pháp năng suất 2: Các hệ thống quản lý kinh doanh, sản xuất, chất lượng tiên tiến
Nhóm giải pháp năng suất 2 với hơn 100 hệ thống, bao gồm: Sản xuất tinh gọn, Sáu sigma, Lean 6 Sigma, ISO 9000, Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), Sản xuất đúng lúc (JIT), Sản xuất đáp ứng nhanh, Sản xuất bền vững, Sản xuất cộng tác, Sản xuất ảo, QS9000 và TS16949, ISO 14000, IS0 22000, OSHAS 18001, MES, MRP, MRP II, ERP, TPM, v.v…
- Nhóm giải pháp năng suất 3: Các kỹ thuật, công cụ, phương pháp, kỹ năng phát triển năng suất cá nhân
Nhóm giải pháp năng suất 3 với hơn 100 giải pháp, bao gồm: Các phương pháp tư duy hiệu quả (Tư duy tích cực, Tư duy sáng tạo, Tư duy chiến lược, Tư duy đột phá, Tư duy đổi mới, Tư duy hệ thống, Tư duy tích hợp, Tư duy logic, Sáu chiếc mũ tư duy, Lập bản đồ tư duy, v.v…), Quản lý dự án, Kỹ năng giao tiếp truyền thông, Kỹ năng giải quyết vấn đề (5 Why, Biểu đổ nguyên nhân – kết quả, Lưu đồ, Phân tích và Quản lý rủi ro, Phân tích PEST, Ma trận Ansoff, Ma trận Boston, Phân tích USP, Đường cong Greiner, Phương pháp 8D, v.v…), Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng ứng dụng CNTT, Kỹ năng thương lượng, Kỹ năng ra quyết định, Kỹ năng lãnh đạo, Động não, Làm việc theo nhóm, Phương pháp luận sáng tạo (TRIZ), Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, v.v…
- Nhóm giải pháp năng suất 4: Giải pháp bảo trì toàn diện
Bảo trì tốt sẽ làm giảm đáng kể những thiệt hại do ngừng máy, làm giảm chi phí sản xuất, nghĩa là giảm đầu vào và làm tăng năng suất.
Nhóm giải pháp năng suất 4 về bảo trì [7], [8], bao gồm:
- Các giải pháp về quản lý bảo trì (Chiến lược bảo trì, Lập kế hoạch, điều độ và kiểm soát bảo trì, Lean Maintenance, Bảo trì năng suất toàn diện(TPM), Bảo trì tập trung vào độ tin cậy (RCM), Quản lý phụ tùng và tồn kho, Chi phí chu kỳ sống (LCC), Kinh tế bảo trì, A và OEE, Hệ thống đánh giá hiệu năng công tác bảo trì, v.v…;
- Các kỹ thuật chẩn đoán hư hỏng: Phân tích hư hỏng, Phân tích nguyên nhân gốc rễ (RCM), Phân tích dạng và tác động của hư hỏng (FMEA), Phân tích cây lỗi, Kỹ thuật độ tin cậy, v.v…
- Các kỹ thuật bảo trì (hệ thống cơ khí, thủy lực, khí nén, bơm và đường ống, PLC, động cơ điện, các thiết bị điện khác, máy tính và mạng, v.v…), kỹ thuật bôi trơn;
- Các kỹ thuật giám sát tình trạng: giám sát rung động, giám sát âm, giám sát nhiệt độ, kiểm tra không phá hủy (NDT), giám sát hạt và tình trạng lưu chất, v.v…
Một chương trình đào tạo về bảo trì có thể bao gồm hơn 100 môn học.
- Nhóm giải pháp năng suất 5: Giải pháp công nghệ thông tin toàn diện
Nhóm giải pháp năng suất 5 liên quan đến những ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Hoạch định nguồn lực sản xuất (MRPII), Hoạch định nhu cầu vật tư (MRP), Hệ thống thực thi sản xuất (MES), Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Quản lý chuổi cung ứng (SCM), Hệ thống quản lý bảo trì bằng máy tính (CMMS), Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM), Quản lý tài sản số (DAM), Trí tuệ kinh doanh (IB), Tích hợp thông tin doanh nghiệp (EII), Phần mềm như là dịch vụ (Saas), Điện toán đám mây, v.v…
- Nhóm giải pháp năng suất 6: Giải pháp tự động hóa toàn diện
Nhóm giải pháp năng suất 6 liên quan đến những ứng dụng tự động hóa, bao gồm: Thiết kế nhờ máy tính (CAD), Gia công nhờ máy tính (CAM), Kỹ thuật nhờ máy tính (CAE), Kiểm soát chất lượng nhờ máy tính (CAQ), Công nghệ điều khiển số (CNC), Công nghệ nhóm (GT), Robot công nghiệp, Lập qui trình công nghệ nhờ máy tính (CAPP), Giáo dục nhờ máy tính (CAE), Hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS), Hệ thống sản xuất tích hợp (CIM), v.v…
- Nhóm giải pháp năng suất 7: Các giải pháp cải thiện an toàn, sức khỏe, điều kiện làm việc và môi trường
Nhóm giải pháp năng suất 7 về các giải pháp cải thiện an toàn, sức khỏe, điều kiện làm việc và môi trường, bao gồm: Hệ thống OHSAS 18001, ISO 14000, GMP, HACCAP, ISO 22000, SA 8000, Ergonomics, Năng suất xanh, Thiết kế xanh, Sản xuất sạch hơn, v.v…
· Nhóm giải pháp năng suất 8: Giải pháp các công nghệ sản xuất tiên tiến.
Nhóm giải pháp năng suất 8 liên quan đến các công nghệ sản xuất tiên tiến làm tăng năng suất trong từng ngành công nghiệp: dệt may, nhựa, chế biến gỗ, thực phẩm, v.v…
Đối với ngành cơ khí nhóm giải pháp này bao gồm: Các công nghệ gia công vật liệu tiên tiến, Các công nghệ gia công không phoi tiên tiến, Các công nghệ gia công cắt tiên tiến, Vi gia công, Chế tạo nano, Công nghệ tạo mẫu nhanh, Thiết kế kỹ thuật (Kỹ thuật đồng thời, Kỹ thuật ngược, Phương pháp Taguchi, Triển khai chức năng chất lượng, Mô hình hóa và mô phỏng, Thiết kế đảm bảo X (thiết kế để tuyệt hảo): Thiết kế đảm bảo khả năng chế tạo, Thiết kế đảm bảo khả năng lắp ráp, Thiết kế đảm bảo khả năng tháo rời, Thiết kế đảm bảo khả năng bảo trì, Thiết kế đảm bảo độ tin cậy, Thiết kế đảm bảo chi phí, Thiết kế đảm bảo chất lượng, Thiết kế đảm bảo an toàn, Thiết kế đảm bảo ergonomics, Thiết kế đảm bảo mỹ thuật công nghiệp, Thiết kế đảm bảo môi trường, Thiết kế đảm bảo bền vững, v.v…
Từng thành phần thuộc các nhóm giải pháp nêu trên sẽ được lần lượt trình bày trong số tạp chí này và những số sắp tới.
7. Kết luận
Ứng dụng TPS II là một cách tiếp cận hệ thống, toàn diện và tích hợp nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để nâng cao tối đa năng suất (theo quan điểm hiện đại) và giảm tối thiểu các loại lãng phí/ chi phí bằng cách nhận biết, lựa chọn và phối hợp các giải pháp năng suất hiện có và sẽ có. Xét cho cùng, không biết để mà ứng dụng một giải pháp năng suất phù hợp nào đó cũng là một lãng phí.
Tài liệu tham khảo
[1] APO, The Fostering Productivity in Asia and the Pacific 1961 – 1991.
[6] Phạm Ngọc Tuấn, Nguyễn Như Mai, Đảm bảo chất lượng, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2005, 420 tr.
[7] Phạm Ngọc Tuấn, Quản lý bảo trì công nghiệp, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2001, 172 tr.
[8] Phạm Ngọc Tuấn, Kỹ thuật bảo trì công nghiệp, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2005, 197 tr.
Phạm Ngọc Tuấn, Nguyễn Minh Hà, Phan Công Thành
Nhận xét
Đăng nhận xét
Các bạn có câu hỏi gì, cứ mạnh dạn trao đổi nhé, baoduongcokhi sẵn sàng giải đáp trong khả năng của mình.