4 giờ sáng thứ năm, ngày 28/3/1979, người dân ở hạt Dauphin, bang Pennsyvalnia, Mỹ, vẫn còn say giấc trong cảnh êm đềm về sáng của một thành phố công nghiệp, nổi tiếng của lịch sử nước Mỹ.
Báo Khoa học & Đời Sống Online
SCCK.TK
Không ai biết được rằng, tai họa đang ngấm ngầm ập xuống cuộc sống của họ tại một nhà máy điện hạt nhân nằm trên bán đảo Three Miles Island, sông Susquehanna.
Chuyện gì đã xảy ra ở TMI - 2?
Một vài máy bơm chất làm lạnh bị ngưng hoạt động ở tổ máy thứ 2 (gọi tắt là TMI-2) của nhà máy, kéo động cơ ngưng hoạt động. Ngay tức khắc, áp lực trong hệ thống tăng lên đột ngột khiến hệ thống van xả phải tự động mở. Lẽ ra, van này phải được đóng lại khi áp lực hệ thống hạ xuống nhưng nó không đóng lại. Hệ thống chỉ báo cũng không cho thấy van không đóng được. Chất làm lạnh tràn ra theo đường van khiến hệ thống bị quá nhiệt. Lõi lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy khiến một lượng lớn chất phóng xạ phát ra ngoài.
Nhìn từ phía Đông, lò TMI-2 nằm bên phải, có 2 tháp chứa nước làm nguội cho lò phản ứng. (Ảnh: NARA) |
7h45 sáng hôm đó, một chuyên gia có nhiệm vụ đo đạt mức phóng xạ xung quanh phát hiện ra điều bất thường. Họ chưa biết lõi lò đã bị chảy hơn phân nửa, nhưng đã lập tức làm nguội hệ thống. Ủy ban Điều phối Hạt nhân Mỹ (URC) tại Washington D.C. nhận được hung tin vào lúc 8 giờ sáng, lập tức thành lập ngay một tổ công tác dùng chuyên cơ lấy mẫu không khí vùng lân cận để xác định mức độ rò rỉ phóng xạ.
9h15 sáng, Nhà Trắng nhận được thông báo về tình hình ở Three Miles Island. Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, hệ thống lò hạt nhân đã tạm thời ổn định. Trời tờ mờ sáng thứ sáu hôm sau, người dân nhận được lệnh sơ tán ra khỏi khu vực hạt Dauphin, bán kính ít nhất 20 dặm, ưu tiên phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Trớ trêu, chỉ 12 ngày trước đó, bộ phim Hội Chứng Trung Hoa (China Syndrome, do 2 tài tử nổi danh thủ vai: Jane Fonda và Michael Douglas) vừa được công chiếu nói về một vụ nổ nhà máy phản ứng hạt nhân. Mặc dù, bang Pennsyvania đã tuyên bố lượng phóng xạ rò rỉ không nhiều nhưng dân tình vẫn trở nên hỗn loạn vì tác động của những hình ảnh trong bộ phim trước đó.
Tổng thống Mỹ, Jimmy Carter và phu nhân đứng trong phòng điều khiển của lò TMI-2 sau sự cố. Bên trái là Harold Denton, Giám đốc NRC. (Ảnh: Jimmy Carter Library) |
Chuyên gia phát hiện nhiều bong bóng khí hydro trên nắp van thoát, có thể khiến gây ra một vụ nổ nếu tồn tại oxy trong hệ thống van xả. Suốt ngày thứ bảy, NRC chỉ huy cô lập hệ thống để bảo đảm không để cho khí oxy có thể rò rỉ vào van thoát. Đến sáng chủ nhật, ngày 1/4, URC tuyên bố sẽ không còn nguy cơ phát nổ. Cả nước Mỹ thở phào nhẹ nhõm. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến hiện trường. Bản thân ông Carter là một kỹ sư hạt nhân, ông biết những hệ quả gì sau vụ rò rỉ này.
Do bất cẩn hay định mệnh?
Mặc dù không có một vụ nổ nào, không gây ra thương vong hay tử vong tại chỗ, nhưng đây là một tai nạn có hậu quả lớn nhất của ngành công nghiệp hạt nhân dân sự Mỹ. Trách nhiệm được quy cho 4 người đàn ông: William Zewe - giám sát bộ phận giao ca tổ máy TMI-1 và TMI-2; Fred Scheimann - kỹ thuật viên nhận ca trực; Edward Frederick và Craig Faust - 2 nhân viên giám sát phòng điều khiển.
Bốn chuyên viên này đều được đào tạo bởi trung tâm Metropolitan Edison and Babcock & Wilcox và được NRC cấp bằng. Tuy nhiên, đứng trước tòa, họ cho rằng chưa bao giờ được huấn luyện về sự cố máy bơm bị ngưng hoạt động dẫn đến van xả không đóng.
Phòng triển lãm tư liệu về sự cố TMI-2 ở Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: Harold Dorwin) |
Các nghiên cứu được công bố sau đó cho thấy lượng phóng xạ rò rỉ dưới mức cho phép, 0.08 milisieverts đối với người ở cách xa 10 dặm, chỉ bằng một lần chụp X-quang. Tuy nhiên, Sở Y tế Pennsylvania vẫn thiết lập một chương trình chăm sóc đặc biệt, kéo dài 18 năm cho những người sống trong bán kính 5 dặm tính từ khu nhà máy hạt nhân tại hạt Dauphin. Theo báo cáo tổng kết chương trình, kết thúc vào giữa năm 1997, không phát hiện ca ung thư nào có liên quan đến sự cố rò rỉ phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Three Miles Island.
Tháng 6 năm 1996, 17 năm sau sự cố ở Three Miles Island, thẩm phán Sylvia Rambo của tòa án hạt Harrisburg, bang Pennsylvania, đã bác đơn kiện của một nhóm nguyên đơn đòi bồi thường vì vụ tai nạn hạt nhân. Nguyên đơn đã kháng án lên tòa phúc thẩm nại rằng: Có vài vụ nổ khí hydro trong hệ thống không được chính phủ tiết lộ, khiến cho mức độ rò rỉ phóng xạ cao hơn mức đã công bố.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm, sau đó, vẫn bác đơn kháng án của nguyên đơn với lý do bên nguyên không đưa ra được bằng chứng về các vụ nổ. Chính sự cố ở Three Miles Island đã làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ. Các báo cáo tổng hợp đưa ra các nguyên nhân chính: Bất cẩn từ phía chuyên viên, thiết kế yếu kém và các chi tiết máy vận hành kém an toàn. Nhiều tiêu chuẩn an toàn mới đã được ban hành sau sự cố. Chương trình tắt lò phản ứng hạt nhân TMI-2 kéo dài 11 năm, kết thúc vào năm 1990. Trong khi đó, lò TMI-1 vẫn hoạt động cho đến ngày hôm nay.
Những vụ nổ hạt nhân khác trên thế giới |
12/12/1952: lò Chalk River ở Ottawa, Canada, bị nóng chảy sau khi rút 4 thanh điều khiển ra khỏi lò, khiến hàng triệu gallon chất lỏng phóng xạ chảy vào lò - không có thương vong. 10/1957: lò nấu plutonium ở nhà máy hạt nhân Windscale, Anh Quốc, bị bốc cháy, chất phóng xạ bị thoát vào không khí. Tuy không có thương vong nhưng hàng chục người ở vùng lân cận Liverpool đã bị ung thư. Mùa đông 1957 - 1958: Hàng trăm người ở Kyshtym, Liên Xô cũ, bị chết sau vụ nổ gần 70 tấn chất phóng xạ tại một nhà máy hạt nhân gần dãy núi Urals. 21/1/1969: Hệ thống làm mát của lò hạt nhân ngầm Lucens Vad, Thụy Sĩ, bị hư hỏng gây ra một vụ rò rỉ phóng xạ ngầm dưới lòng đất. 25/4/1981: 45 công nhân bị nhiễm phóng xạ chết tại chỗ khi đang sửa chữa lò hạt nhân tại Tsuruga, Nhật Bản. 26/4/1985: 31 người chết tại chỗ sau vụ nổ lò Chernobyl, Liên Xô cũ. Đây là vụ nổ lò hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng vì chất phóng xạ rò rỉ. 11/1995: Lò hạt nhân ở Monju, Nhật Bản bị rò rỉ 3 tấn sodium từ hệ thống làm mát. 03/1997: Lò hạt nhân Tokaimura, Nhật Bản, bị bốc cháy khiến 35 công nhân bị nhiễm độc. 30/9/1999: Lò sản xuất uranium ở Tokaimura, Nhật Bản, rò rỉ khiến 55 công nhân bị nhiễm độc. 300,000 người dân xung quanh được yêu cầu không được ra ngoài. |
SCCK.TK
Nhận xét
Đăng nhận xét
Các bạn có câu hỏi gì, cứ mạnh dạn trao đổi nhé, baoduongcokhi sẵn sàng giải đáp trong khả năng của mình.