Việt Nam chỉ nhằm mục đích hướng dẫn. Chương trình trợ giúp của Mekong Capital cho các
doanh nghiệp mà Quỹ Doanh Nghiệp Mekong đang đầu tư bao gồm việc hỗ trợ để tăng cường
năng lực của doanh nghiệp trong việc không ngừng cải tiến quy trình kinh doanh. Mekong
Capital hiện đang có hai chuyên viên Six Sigma Black Belt phụ trách việc hỗ trợ các doanh
nghiệp trong lĩnh vực này.
1. Six Sigma là gì?
1.1 Định nghĩa
Six Sigma là một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót
hay khuyết tật đến mức 3,4 lỗi trên mỗi triệu khả năng gây lỗi bằng cách xác định và loại trừ các nguồn
tạo nên dao động (bất ổn) trong các quy trình kinh doanh. Trong việc định nghĩa khuyết tật, Six Sigma
tập trung vào việc thiết lập sự thông hiểu tường tận các yêu cầu của khách hàng và vì thế có tính định
hướng khách hàng rất cao.
Hệ phương pháp Six Sigma dựa trên tiến trình mang tên DMAIC: Define (Xác Định), Measure (Đo
Lường), Analyze (Phân Tích), Improve (Cải Tiến) và Control (Kiểm Soát). Để tìm hiểu thêm về tiến trình
này, vui lòng tham khảo mục số 3 của tài liệu này về DMAIC.
Six Sigma không phải là một hệ thống quản lý chất lượng, như ISO-9001, hay là một hệ thống chứng
nhận chất lượng. Thay vào đó, đây là một hệ phương pháp giúp giảm thiểu khuyết tật dựa trên việc cải
tiến quy trình. Đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, điều này có nghĩa là thay vì tập trung vào các
đề xướng chất lượng vốn ưu tiên vào việc kiểm tra lỗi trên sản phẩm, hướng tập trung được chuyển
sang cải thiện quy trình sản xuất để các khuyết tật không xảy ra.
1.2 Các chủ đề chính của Six Sigma
Một số chủ đề chính của Six Sigma được tóm lược như sau:
• Tập trung liên tục vào những yêu cầu của khách hàng;
• Sử dụng các phương pháp đo lường và thống kê để xác định và đánh giá mức dao động trong
quy trình sản xuất và các qui trình quản lý khác;
• Xác định căn nguyên của các vấn đề;
• Nhấn mạnh việc cải tiến quy trình để loại trừ dao động trong quy trình sản xuất hay các qui
trình quản lý khác giúp giảm thiểu lỗi và tăng sự hài lòng của khách hàng;
• Quản lý chủ động đầy trách nhiệm trong việc tập trung ngăn ngừa sai sót, cải tiến liên tục và
không ngừng vươn tới sự hoàn hảo;
• Phối hợp liên chức năng trong cùng tổ chức; và
• Thiết lập những mục tiêu rất cao.
1.3 Các cấp độ trong Six Sigma
“Sigma” có nghĩa là độ lệch chuẩn (standard deviation) trong thống kê, nên Six Sigma đồng nghĩa với
sáu đơn vị lệch chuẩn.
Cấp Độ Sigma Lỗi phần Triệu Lỗi phần Trăm
Một Sigma 690.000,0 69,0000%
Hai Sigma 308.000,0 30,8000%
Ba Sigma 66.800,0 6,6800%
Bốn Sigma 6.210,0 0,6210%
Năm Sigma 230,0 0,0230%
Sáu Sigma 3,4 0,0003%
Mục tiêu của Six Sigma là chỉ có 3,4 lỗi (hay sai sót) trên mỗi một triệu khả năng gây lỗi. Nói cách
khác, đó là sự hoàn hảo đến mức 99,99966%.
Trong khi phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tư nhân ở Việt Nam hiện đang ở mức khoảng Ba Sigma
hoặc thậm chí thấp hơn thì trong một vài trường hợp, một dự án cải tiến quy trình áp dụng các nguyên
tắc Six Sigma có thể trước tiên nhắm đến mức Bốn hay Năm Sigma vốn cũng đã mang lại kết quả giảm
thiểu khuyết tật rõ rệt.
Cũng cần làm rõ rằng Six Sigma đo lường các khả năng gây lỗi chứ không phải các sản phẩm lỗi. Một
sản phẩm càng phức tạp sẽ có nhiều khả năng bị lỗi hơn. Ví dụ, cũng là đơn vị sản phẩm nhưng khả
năng gây lỗi trong một chiết ô-tô nhiều hơn so với một chiếc kẹp giấy.
Dưới đây là một ví dụ cho cách tính số khả năng gây lỗi trong qui trình sản xuất sản phẩm ghế gỗ:
Công ty A phải sản xuất 5 đơn hàng cho khách hàng, mỗi đơn hàng có một mặt hàng là ghế gỗ (5
chiếc). Số khả năng gây lỗi cho một mặt hàng ghế gỗ được xác định như sau:
• Vật liệu gỗ làm ghế đã đúng chưa? (1 khả năng)
• Độ ẩm của gỗ nằm trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép (1 khả năng)
• Ghế được làm theo đúng kích cỡ khách hàng yêu cầu (1 khả năng)
• Ghế không bị hư hỏng ( 1 khả năng)
• Ghế được sơn đúng màu sắc ( 1 khả năng)
• Ghế được đóng gói đúng qui cách (1 khả năng)
Tổng số khả năng gây lỗi = số lượng ghế X số khả năng = 5 X 6 = 30 khả năng
1.4 Tập trung vào các nguồn gây dao động
Dưới cách nhìn của Six Sigma, một quy trình kinh doanh thường được trình bày dưới dạng hàm số thu
gọn Y=f(X), trong đó kết quả đầu ra (Y) được chi phối bởi một số biến hay tác nhân đầu vào (X). Nếu
chúng ta giả định rằng có mối liên hệ giữa kết quả (Y) với các tác nhân tiềm năng (X), chúng ta cần thu
thập và phân tích số liệu dựa trên các công cụ kiểm tra và kỹ thuật thống kê trong Six Sigma để chứng
minh giả thuyết này. Nếu muốn thay đổi kết quả đầu ra, chúng ta cần tập trung vào việc xác định và
kiểm soát các tác nhân hơn là kiểm tra sàng lọc ở đầu ra. Một khi đã có đủ hiểu biết và có biện pháp
kiểm soát tốt các tác nhân X, chúng ta có thể dự đoán một cách chính xác kết quả Y. Nếu không theo
cách trên, chúng ta chỉ tập trung nổ lực vào các hoạt động dư thừa (Non Value-Added) như kiểm tra,
trắc nghiệm và sửa lỗi sản phẩm.
1.5 Cải tiến qui trình
Mục đích của Six Sigma là để cải thiện các qui trình sao cho các vấn đề khuyết tật và lỗi không xảy ra
thay bằng việc chỉ tìm ra các giải pháp tạm thời ngắn hạn cho các vấn đề. Chỉ khi nguyên nhân gây sai
lệch, như đã đề cập ở phần trước, đã được xác định thì qui trình mới có thể được cải thiện do đó sai lệch
không lập lại trong tương lai.
Ví dụ, nếu một nhà sản xuất đồ gỗ ở Việt Nam đang gặp phải tình trạng chậm tiến độ ở khâu kiểm tra
chất lượng của công đoạn lắp ráp hoàn thiện sơ bộ bởi vì họ thường xuyên nhận được các chi tiết sai
hỏng từ các bộ phận chà nhám và phải tái chế chúng:
• Giải pháp điển hình: Cân đối lại chuyền bằng việc cho thêm công nhân vào kiểm tra và tái chế.
• Giải pháp Six Sigma: Điều tra và kiểm soát các tác nhân chính để ngăn ngừa lỗi xảy ra từ công
đoạn đầu tiên. Nó có thể bao gồm các thủ tục cân chỉnh máy móc không rõ ràng, các hướng
dẫn công việc chà nhám không rõ ràng, các tổ trưởng không có đầy đủ kỹ năng giám sát công
việc hiệu quả, thiếu qui trình kiểm tra chất lượng gỗ tại phân xưởng ra phôi gỗ, vv..
Trong một ví dụ khác, một công ty chuyên sản xuất sản phẩm nhựa thường xuyên gặp phải tình trạng
sản xuất sai màu sắc sản phẩm so với yêu cầu của khách hàng:
• Giải pháp điển hình: Điều chỉnh công thức phối trộn màu đang được sử dụng bằng nỗ lực thử-
sai.
• Giải pháp Six Sigma: Xác định các tác nhân đầu vào chính của qui trình phối màu dẫn đến việc
làm sai màu sắc của sản phẩm sau đó kiểm soát các tác nhân này. Các tác nhân này có thể bao
gồm nhà cung ứng vật tư, sự rõ ràng của các hướng dẫn công thức phối trộn, hệ thống thu thập
và kiểm tra các công thức phối trộn, cân chỉnh thiết bị phối trộn, khả năng thực hiện của công
nhân theo hướng dẫn công việc.vv..
1.6 Các hệ thống đo lường và thống kê
Xây dựng các hệ thống đo lường (metrics) mới và đặt những câu hỏi mới là một phần thuộc tính quan
trọng của hệ phương pháp Six Sigma. Để cải thiện kết quả, một công ty cần xác định những cách thức
để đo lường các biến động trong các quy trình kinh doanh, thiết lập các chỉ số thống kê dựa trên các hệ
thống đo lường và sau đó sử dụng các chỉ số này để đưa ra những câu hỏi về căn nguyên của những
vấn đề chất lượng liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ và quy trình.
1.7 Six Sigma không chỉ dành cho sản xuất
Mặc dù Six Sigma thường được áp dụng chủ yếu để giảm thiểu khuyết tật trong quy trình sản xuất,
phương pháp tương tự cũng được sử dụng để cải tiến các quy trình kinh doanh khác. Cụ thể như:
• tìm ra biện pháp để gia tăng công suất của thiết bị;
• cải thiện tỷ lệ giao hàng đúng hẹn;
• giảm thời gian quy trình tuyển dụng và huấn luyện nhân viên mới;
• cải thiện khả năng dự báo bán hàng;
• giảm thiểu sai sót về chất lượng và giao nhận với các nhà cung cấp;
• cải thiện công tác hậu cần và lập kế hoạch;
• cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng.v.v…
1.8 Việc ứng dụng Six Sigma trên Thế giới
Six Sigma được hình thành ở tập đoàn Motorola vào năm 1986 và sau đó được phổ biến rộng rãi bởi
thành công của tập đoàn General Electric (GE) vào thập niên 90. Các tổ chức như Honeywell, Citigroup,
Motorola, Starwood Hotels, DuPont, Dow Chemical, American Standard, Kodak, Sony, IBM, Ford đã
triển khai các chương trình Six Sigma xuyên suốt các hoạt động kinh doanh đa dạng từ sản xuất công
nghệ cao cho đến dịch vụ và các hoạt động tài chính. Tuy chưa được phổ biến rộng ở Việt Nam nhưng
một vài công ty có vốn đầu tư nước ngoài như American Standard, Ford, LG và Samsung đã đưa
chương trình Six Sigma vào triển khai áp dụng.
• Trong một khảo sát gần đây do công ty DynCorp1
thực hiện đã cho thấy: Khoảng 22% trong
tổng số các công ty được khảo sát tại Mỹ đang áp dụng Six Sigma;
• 38,2% trong số các công ty đang áp dụng Six Sigma này là các công ty chuyên về các ngành
dịch vụ, 49.3% là các công ty chuyên về sản xuất và 12.5% là các công ty thuộc các lĩnh vực
khác;
• So sánh trên phương diện hiệu quả, Six Sigma được đánh giá là cao hơn đáng kể so với các hệ
thống quản trị chất lượng và công cụ cải tiến qui trình khác (tuy nhiên, Six Sigma ở đây còn
bao gồm nhiều công cụ chưa được liệt kê trong khảo sát này.
Download tài liệu
Giới thiệu về Lean6Sigmahot!
Lean Manufacturinghot!
SCCK.TK (lean6sigma.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét
Các bạn có câu hỏi gì, cứ mạnh dạn trao đổi nhé, baoduongcokhi sẵn sàng giải đáp trong khả năng của mình.