SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẢO TRÌ
· Lịch sử bảo trì
Bảo trì đã xuất hiện kể từ khi con người biết sử dụng các loại dụng cụ, đặc biệt là từ khi bánh xe được phát minh. Nhưng chỉ hơn mười lăm năm qua bảo trì mới được coi trọng đúng mức khi có sự gia tăng khổng lồ về số lượng và chủng loại của các tài sản cố định như máy móc, thiết bị, nhà xưởng trong sản xuất công nghiệp.
Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới người ta đã tính trung bình rằng khoảng từ 4 đến 40 lần chi phí mua sắm sản phẩm và thiết bị để dùng để duy trì chúng vận hành đạt yêu cầu bằng các hoạt động bảo trì phòng ngừa và phục hồi trong suốt tuổi đời của chúng. Theo tạp chí Control Magazine (October, 1996) các nhà sản xuất trên toàn thế giới chi 69 tỉ USD cho bảo trì mỗi năm và con số này sẽ không ngừng gia tăng.
Bảo trì đã trải qua ba thế hệ sau:
Thế hệ thứ nhất: (Bắt đầu từ xa xưa mãi đến đầu chiến tranh thế giới thứ II)
Trong giai đoạn này công nghiệp chưa được phát triển. Việc chế tạo và sản xuất được thực hiện bằng các máy móc còn đơn giản, thời gian ngừng máy ít ảnh hưởng đến sản xuất, do đó công việc bảo trì cũng rất đơn giản. Bảo trì không ảnh hưởng lớn về chất lượng và năng suất. Vì vậy ý thức ngăn ngừa các thiết bị hư hỏng chưa được phổ biến trong đội ngũ quản lý. Do đó không cần thiết phải có các phương pháp bảo trì hợp lý cho các máy móc. Bảo trì lúc bấy giờ là sửa chữa các máy móc và thiết bị khi có hư hỏng xảy ra.
Thế hệ thứ hai: Mọi thứ đã thay đổi trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II.
Những áp lực trong thời gian chiến tranh đã làm tăng nhu cầu của các loại hàng hóa trong khi nguồn nhân lực cung cấp cho công nghiệp lại sút giảm đáng kể. Do đó cơ khí hóa đã được phát triển mạnh để bù đắp lại nguồn nhân lực bị thiếu hụt. Vào những năm 1950, máy móc các loại đã được đưa vào sản xuất nhiều hơn và phức tạp hơn. Công nghiệp bắt đầu phụ thuộc vào chúng.
Do sự phụ thuộc ngày càng tăng, thời gian ngừng máy đã được ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đôi khi có một câu hỏi được nêu ra là "con người kiểm soát máy móc hay máy móc điều khiển con người". Nếu công tác bảo trì được thực hiện tốt trong nhà máy thì con người sẽ kiểm soát được máy móc, ngược lại máy móc hư hỏng sẽ gây khó khăn cho con người.
Vì vậy đã có ý kiến cho rằng những hư hỏng của thiết bị có thể và nên được phòng ngừa, để tránh làm mất thời gian khi có những hư hỏng hay tình huống khẩn cấp xảy ra. Từ đó đã bắt đầu xuất hiện khái niệm bảo trì phòng ngừa mà mục tiêu chủ yếu là giữ cho thiết bị luôn hoạt động ở trạng thái ổn định chứ không phải sửa chữa khi có hư hỏng. Trong những năm 1960 giải pháp này chủ yếu là đại tu lại thiết bị vào những khoảng thời gian nhất định.
Chi phí bảo trì cũng đã bắt đầu gia tăng đáng kể so với chi vận hành khác. Điều này dẫn đến việc phát triển những hệ thống kiểm soát và lập kế hoạch bảo trì.
Cuối cùng tổng vốn đầu tư cho tài sản cố định đã gia tăng đáng kể nên người ta bắt đầu tìm kiếm những giải pháp để có thể tăng tối đa tuổi thọ của các tài sản này.
Thế hệ thứ ba: Từ giữa những năm 1970, công nghiệp thế giới đã có những thay đổi lớn lao. Những thay đổi này đòi hỏi và mong đợi ở bảo trì ngày càng nhiều hơn.
1940 1950 1960 1970 1980 1990 2000
Hình 1 : Những mong đợi đối với bảo trì đang ngày càng tăng.
NHỮNG MONG ĐỢI MỚI
1. Thời gian ngừng máy luôn luôn ảnh hưởng đến năng lưc sản xuất của thiết bị do làm giảm sản lượng, tăng chi phí vận hành và gây trở ngại cho dịch vụ khách hàng. Vào những năm 1960 và 1970 điều này đã là một mối quan tâm chủ yếu trong một số nghành công nghiệp lớn như chế tạo máy, khai thác mỏ và giao thông vận tải. Những hậu quả của thời gian ngừng máy lại trầm trọng thêm do công nghiệp chế tạo thế giới có xu hướng thực hiện các hệ thống sản xuất đúng lúc(just -in -time), trong đó lượng tồn kho nguyên vật liệu, bán thành phẩm giảm rất nhiều nên chỉ những hư hỏng nhỏ của một thiết bị nào đó cũng đủ làm ngừng toàn bộ một nhà máy. Trong những năm gần đây sự phát triển của cơ khí hóa và tự động hóa đã làm cho độ tin cậy và khả năng sẵn sàng trở thành những yếu tố quan trọng hàng đầu trong các ngành công nghiệp và dịch vụ như y tế, xử lý dữ liệu, viễn thông, tin học và xây dựng. Vào tháng 6/2000 chỉ một giờ mất điện đã làm cho các công ty tin học ở
2. Tự động hóa nhiều hơn cũng có nghĩa rằng những hư hỏng ngày càng ảnh hưởng lớn hơn đến các tiêu chuẩn chất lượng và dịch vụ. Ví dụ các máy móc hư hỏng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống điều hòa nhiệt độ trong các tòa nhà và sự đúng giờ của hệ thống giao thông vận tải và chúng gây trở ngại cho khả năng đạt dung sai cho phép trong chế tạo máy.
3. Những hư hỏng ngày càng gây các hậu quả về an toàn và môi trường nghiêm trọng trong khi nhưng tiêu chuẩn ở các lĩnh vực này đang ngày càng tăng nhanh chóng. Tại nhiều nước trên thế giới, đã có những công ty, nhà máy đóng cửa vì không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường. Điển hình là những tai nạn và rò rỉ ở một số nhà máy điện nguyên tử đã làm nhiều người lo ngại. Một số nước như Thụy Điển, Đức đã có kế hoạch đóng cửa toàn bộ những nhà máy điện nguyên tử trên lãnh thổ của mình trong những năm tới.
4. Sự phụ thuộc của con người vào tài sản cố định, máy móc, thiết bị ngày càng tăng thì đồng thời chi phí vận hành và sở hữu chúng cũng tăng. Để thu hồi tối đa vốn đầu tư cho các thiết bị, chúng phải được duy trì hoạt động với hiệu suất cao và có tuổi thọ càng lâu càng tốt.
5. Cuối cùng chính chi phí bảo trì cũng đang tăng lên, tính theo giá tuyệt đối và tính như là một thành phần của tổng chi phí. Trong một số ngành công nghiệp, chi phí bảo trì cao thứ nhì hoặc thậm chí cao nhất trong các chi phí vận hành. Kết quả là trong vòng 30 năm gần đây, chi phí bảo trì từ chỗ không được ai quan tâm đến chỗ đã vượt lên đứng đầu trong các chi phí mà người ta ưu tiên kiểm soát.
6. Hiện nay xu thế cho rằng:" hơn 90% các chi phí bảo đảm chất lượng, khả năng bảo trì và độ tin cậy trong công nghiệp được dùng để phục hồi lại những sai sót khuyết tật do thiết kế sản phẩm sau khi chúng đã xảy ra, trong khi chỉ gần 10% được chi để làm đúng sản phẩm ngay từ đầu". Những nỗ lực của bảo trì trong tương lai là phải đảo ngược xu thế này.
NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ BẢO TRÌ
Những nghiên cứu mới đã làm thay đổi quan niệm cơ bản nhất về tuổi đời thiết bị và hư hỏng. Hiển nhiên rằng có mối quan hệ giữa mức độ hư hỏng và tuổi đời của thiết bị. Trước kia người ta nghĩ rằng hư hỏng là do thiết bị "già"̀ đi. Trong thế hệ thứ hai đã có thêm quan niệm cho rằng giai đoạn "làm nóng máy" ban đầu cũng ảnh hưởng đến hư hỏng. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu ở thế hệ thứ ba đã chứng tỏ rằng trong thực tế không phải chỉ có một hoặc hai mà là sáu dạng hư hỏng.
· Những kỹ thuật mới của bảo trì
· Đã có sự phát triển bùng nổ về những khái niệm và kỹ thuật bảo trì mới. Hàng trăm kỹ thuật bảo trì mới được triển khai vào sản xuất trong hai mươi năm qua và hiện nay hàng tuần lại xuất hiện một vài kỹ thuật mới.
· Những phát triển mới của bảo trì bao gồm :
· Các công cụ hỗ trợ quyết định: nghiên cứu rủi ro, phân tích dạng và hậu quả hư hỏng.
· Những kỹ thuật bảo trì mới: giám sát tình trạng, vv…
· Thiết kế thiết bị với sự quan tâm đặc biệt đến độ tin cậy và khả năng bảo trì.
· Một sự nhận thức mới về mặt tổ chức công tác bảo trì theo hướng thúc đẩy sự tham gia của mọi người, làm việc theo nhóm và tính linh hoạt khi thực hiện.
1940 1950 1960 1970 1980 1990 2000
Hình 2: Những kỹ thuật bảo trì đang thay đổi
VAI TRÒ CỦA BẢO TRÌ NGÀY NAY
Ngày nay bảo trì đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất, có thể so sánh như một đội cứu hỏa. Đám cháy một khi đã xảy ra phải được dập tắt càng tốt để tránh những thiệt hại lớn. Tuy nhiên, dập tắt lửa không phải là nhiệm vụ chính của đội cứu hỏa mà công việc chính của họ là phòng ngừa không cho đám chảy xảy ra. Cho nên vai trò chính của bảo trì là:
· Phòng ngừa để tránh cho máy móc bị hỏng.
· Cực đại hóa năng suất.
· Nhờ đảm bảo hoạt động đúng yêu cầu và liên tục tương ứng với tuổi thọ của máy lâu hơn.
· Nhờ chỉ số khả năng sẵn sàng của máy cao nhất và thời gian ngừng máy để bảo trì nhỏ nhất.
· Nhờ cải tiến liên tục quá trình sản xuất.
· Tối ưu hóa hiệu suất của máy:
· Máy móc vận hành có hiệu quả và ổn định hơn, chi phí vận hành ít hơn, đồng thời làm ra sản phẩm đạt chất lượng hơn.
· Tạo ra môi trường làm việc an toàn hơn.
· Hiện nay, bảo trì ngày càng trở nên quan trọng. Ở những nước đang phát triển, có nhiều máy móc cũ đang hoạt động. Vấn đề phụ tùng là yếu tố cần quan tâm, bởi vì khó tìm được phụ tùng thay thế cho thiết bị, nếu có tìm thấy thì giá cũng rất cao và phải trả bằng ngoại tệ. Nếu công tác bảo trì tốt, hậu quả của những hỏng hóc đã được đề phòng thì những vấn đề này phần nào đã được giải quyết.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BẢO TRÌ
Kỹ thuật càng phát triển, máy móc và thiết bị sẽ càng đa dạng và phức tạp hơn. Những thách thức chủ yếu đối với những nhà quản lý bảo trì hiện đại bao gồm:
· Lựa chọn kỹ thuật bảo trì thích hợp nhất.
· Phân biệt các loại quá trình hư hỏng.
· Đáp ứng mọi mong đợi của người chủ thiết bị, người sử dụng thiết bị và của toàn xã hội.
· Thực hiện công tác bảo trì có kết quả nhất.
· Hoạt động công tác bảo trì với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của mọi người có liên quan.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Các bạn có câu hỏi gì, cứ mạnh dạn trao đổi nhé, baoduongcokhi sẵn sàng giải đáp trong khả năng của mình.